Nhiều người thắc mắc việc trong quá trình làm việc, có thực hiện đóng BHXH tự nguyện. Tuy nhiên khi đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật, thời gian đóng BHXH chưa đủ để hưởng lương hưu. Vậy có cách nào để được nhận lại số tiền mà mình đã thực hiện đóng BHXH trong thời gian làm việc hay không ? Thông qua bài viết này, chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc nêu trên.
1. Bảo hiểm xã hội là gì ? Tại sao phải tham gia bảo hiểm xã hội ?
a. Bảo hiểm xã hội là gì ?
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội được chia ra thành 02 loại hình, đó là: bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
+ Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện mà người lao động và người sử dụng lao động bắt buộc phải tham gia.
+ Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
b. Tại sao phải tham gia bảo hiểm xã hội ?
Việc tham gia bảo hiểm xã hội đem lại rất nhiêu lợi ích cho cuộc sống, cụ thể như sau:
- Được hưởng lương hưu hàng tháng:
Khi người tham gia BHXH đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật, đủ thời gian tham gia bảo hiểm theo quy định, hàng tháng người lao động sẽ được nhận 1 khoản tiền lương để đảm bảo cuộc sống hàng ngày.
- Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí:
Trong thời gian nghỉ hưu theo quy định của pháp luật, bên cạnh việc được hưởng lương hưu hàng tháng, người tham gia bảo hiểm xã hội còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, điều này giúp cho người tham gia bảo hiểm xã hội tiết kiệm được một khoản chi phí mua bảo hiểm để bảo vệ sức khỏe. Mức chi trả của bảo hiểm y tế miễn phí mà người tham gia bảo hiểm nhận được lên đến 95% giá trị chi phí điều trị.
- Được hưởng chế độ tử tuất:
Chế độ tử tuất được áp dụng cho người tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên hoặc người đang hưởng lương hưu. Khi người tham gia bảo hiểm chết, người lo mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại thời điểm diễn ra việc mai táng.
Bên cạnh khoản tiền trợ cấp mai táng, người thân của người tham gia bảo hiểm cũng được nhận một khoản tiền trợ cấp khác được gọi là tiền tuất. Số tiền nhận được tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người đã chết, mức thấp nhất được hưởng là 1,5 tháng bình quân thu nhập đóng bảo hiểm xã hội, mức cao nhất được hưởng là 48 tháng lương hưu người tham gia bảo hiểm xã hội đang hưởng trước khi chết.
2. Mức đóng khi tham gia bảo hiểm xã hội
a, Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Căn cứ Điều 10 Nghị Định 134/2015/NĐ-CP quy định:
“Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.”
Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là người có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc hộ nghèo, Nhà nước sẽ hộ trợ một phần chi phí tham gia bảo hiểm hàng tháng cho người dân, Khoản 1 Điều 10 Nghị Định 134/2015/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
- Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo;
- Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
- Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
b. Đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc
Người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức sau: Mức đóng BHXH bắt buộc/tháng = 8% x Tiền lương tháng đóng BHXH.
3. Quy định về việc rút bảo hiểm xã hội
a. Thời gian để được rút bảo hiểm:
Điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị Định 115/2015/NĐ-CP quy định:
Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, người tham gia bảo hiểm xã hội được thực hiện thủ tục để nhận vảo hiểm xã hội 1 lần.
b. Hồ sơ thực hiện:
Điều 109 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định, hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần bao gồm:
- Bản chính sổ bảo hiểm xã hội
- Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần
c. Cách thức thực hiện;
Việc nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần được thực hiện thông qua hai cách sau:
- Nộp trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội quận/huyện/tỉnh nơi cư trú hoặc gửi qua đường bưu điện
- Thực hiện nộp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của cơ quan bảo hiểm y tế.
d. Thời hạn giải quyết đề nghị:
Sau khi thực hiện nộp hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm sẽ xét duyệt hồ sơ. Thời hạn giải quyết đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần được thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc.
===>Tham khảo mẫu đơn đề nghị hưởng bảo hiểm 1 lần:
Liên hệ Luật sư tư vấn về: Hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Nếu bạn đang gặp vướng mắc về thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần , hãy gọi cho Luật Sư chúng tôi. Luật Sư luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ tư vấn cho bạn mọi vấn đề cần được giải đáp.
Chi tiết xin liên hệ:
- Tư vấn qua Zalo: 0931191033
- Tư vấn qua Email: contact@bslaw.com.vn
- Địa chỉ Bslaw: Shop House 20, số 39 Mạc Thái Tổ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Bs Law xin trân trọng cảm ơn./.